Tài liệu về Thôn làng Châu Phú xưa ở An Giang được xuất bản năm 2014. Đây là bài tạp chí của tác giả Võ Thành Phương ghi lại về những thông tin nghiên cứu Châu Phú. Đây là một ngôi làng khá nổi tiếng và có lịch sử lâu đời. Thôn làng Châu Phú nếu tính về lịch sử, có lẽ nó ra đời trước cả tỉnh An Giang.
Lịch sử lâu đời của thôn làng Châu Phú
Trong lịch sử hình thành vùng đất Nam bộ, địa danh Châu Phú được đặt rõ ràng. Trong địa bạ triều Nguyễn ghi về tỉnh An Giang: Năm 1836, tỉnh An giang có 2 phủ, 4 huyện, 18 tổng và 146 làng còn địa bạ và 21 làng mất địa bạ. Trong đó phải kể đến làng Châu Phú (nay là Châu Đốc) đã mất địa bạ. Chúng tôi thấy trong địa bạ có ghi tổng Châu Phú có 40 thôn thuộc huyện Tây Xuyên. Trong đó có 9 thôn đã mất địa bạ, có cả thôn Châu Phú. Như vậy thôn Châu Phú thành lập từ lúc nào?
Xem thêm những hình ảnh: Ảnh xưa An Giang.
Vì địa bạ xác nhận đã mất thôn Châu Phú. Chúng ta nên hiểu thôn Châu Phú chỉ mất địa bạ chứ không phải không có thôn Châu Phú. Có thể thôn Châu Phú đã hình thành trước đó. Khoảng năm 1808, vì lúc đó chưa có tỉnh An Giang, nhưng Châu Phú thuộc trấn Vĩnh Thanh. Chỉ có hai huyện: Vĩnh An và Vĩnh Định có 2 tổng và 81 thôn. Như vậy, điều đó có thể khẳng định thôn Châu Phú hình thành vào thời gian này, thuộc huyện Vĩnh Định. Vì thôn Châu Phú vị trí nằm ở chợ Châu Đốc trung tâm văn hoá và hành chánh của triều Nguyễn ngay từ buổi ban sơ. Khi Nguyễn Văn Thoại cho đắp con đường từ Châu Đốc đến Núi Sam gọi là Tân lộ kiều lương, lúc này sách ghi thổ yên (tức là con đê làm bằng đất) nguyên bản là Châu Phú. Đến năm 1836, Châu Đốc vẫn gọi là thôn Châu Phú, nhưng phạm vi được nâng lên thành tổng Châu Phú, thuộc huyện Tây Xuyên, tỉnh An Giang. Phạm vi gồm các làng dọc theo biên giới Việt - Chân Lạp kéo dài từ sông Tiền đến giáp ranh hạt Hà Tiên và vùng Bảy núi.
Có thể nói địa danh Châu Phú đã có cách nay trễ nhất năm 1836 và sớm nhất là năm 1808, cùng lúc với sự ra đời các thôn làng ở An Giang dưới triều Gia Long. Châu Phú, không phải do sự đặt để ngẫu nhiên. Ngoài việc lựa chọn tên đẹp có ý nghĩa với mong ước sự giàu có khởi sắc ở vùng đất mới. Ngoài ra có lý giải khác được lưu ý. Đó là sự chuyển dịch từ tên gọi Châu Đốc quen thuộc của thôn làng theo bước chân của những người định cư đầu tiên ở vùng biên giới, những ước mơ hướng đến tương lai, thịnh vượng và giàu có. Đó còn là thông điệp của cha ông ta gởi gấm cho con cháu đời sau những hoài vọng ước mong của mình nơi miền đất hứa.
Cùng cách nhìn nhận khác nhau nên gọi Châu Phú là thôn làng hay tổng, huyện? Ngay từ đầu trong địa bạ triều Nguyễn đã đề cập đến thôn Châu Phú. Có lẽ từ tên Châu Phú được nhà Nguyễn đặt để cho những thôn làng định cư đầu tiên ở biên giới. Nhưng có một điểm đặc biệt: từ CHÂU (珠) hoặc PHÚ (富) không được xem là từ dịch chuyển để đặt tên làng cho các vùng lân cận như các thôn làng khác ở Nam Bộ, mà xuất hiện từ VĨNH (永) như: Vĩnh Tế, Vĩnh Trung, Vĩnh Điều,… tính tổng quát có đến 14/25 thôn ở tổng Châu Phú mang từ VĨNH. Trong các chỉ dụ triều đình bấy giờ là các thôn làng ở Nam bộ nên lấy 6 chữ: AN, BÌNH, PHÚ, PHƯỚC, LONG, TÂN để đặt tên cho các vùng đất mới, ta vẫn thấy có từ PHÚ.
Chuyển dịch về địa giới và tên gọi
Như vậy câu hỏi cần giải đáp của Châu Phú là thay đổi địa phận hành chánh ở vùng đất nhiều biến động như ở An Giang qua nhiều thời kỳ khác nhau. Không chỉ chuyển dịch từ địa giới mà còn chuyển dịch cả tên gọi. Quá trình đó diễn ra như thế nào?
Thời Nguyễn
Theo địa bạ triều Nguyễn, việc chia cắt, tách nhập, thay đổi diễn ra liên tục vì chiến tranh, dân số và diện tích khẩn hoang. Sự dịch chuyển địa giới sang phía Đông tức là hướng huyện Châu Phú ngày nay. Dù chuyển dịch như thế nào đi nữa nhưng tại Châu Đốc ngày nay vẫn tồn tại phường Châu Phú. Dưới thời cai trị của thực dân Pháp, Châu Phú được xem là tổng, thuộc quận Châu Thành, tỉnh Châu Đốc. Dưới thời Ngô Đình Diệm, quận Châu Phú gồm cả huyện Châu Phú, thị xã Châu Đốc và một số xã thuộc huyện Phú Tân ngày nay: Châu Giang, Châu Phong, Hiệp Xương, Hoà Lạc, Hưng Nhơn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng huyện Châu Phú địa giới không giống xưa, nghĩa là sự dịch chuyển vị trí hành chánh Châu Phú tách khỏi Châu Đốc, nơi xuất phát từ Châu Phú đầu tiên.
Theo nghiên cứu điền dã cho rằng xã Bình Thuỷ là thôn làng đầu tiên ở An Giang về mặt hành chánh. Người lập làng (tiền hiền) là ông Dương Văn Hoá, năm lập làng 1783. Chúng tôi có đọc tài liệu xưa của Sử quán triều Nguyễn do Trịnh Hoài Đức ghi lại dưới thời Gia Long thì phần đất Châu Phú ngày nay thuộc trấn Vĩnh Thanh, huyện Vĩnh Định. Trong đó Gia Định thành thông chí nêu tên các thôn ở phần đất Châu Phú ngày nay là: Bình Thịnh Tây, Bình Lâm (mới đặt), Mỹ Đức. Vùng đất Châu Thành có thôn Bình Trung, Long Xuyên có thôn Bình Đức… Như vậy, ta thấy thôn Bình Lâm (nay thuộc xã Bình Thuỷ) là thôn có từ lâu. Nhưng so với thôn khác chưa hẳn thôn đầu tiên được thành lập ở Châu Phú, vì là thôn mới đặt nên ta hiểu là có sau thôn Mỹ Đức và thôn Bình Thịnh Tây! Làng Bình Thuỷ ngày nay được thành lập năm 1783 là không chính xác! Vì lúc này ở An Giang vẫn là vùng đánh nhau giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Chưa có thôn làng chính thức nào được ghi nhận ở đây. Có chăng năm 1783, là năm đầu tiên cụ Dương Văn Hoá đến lập nghiệp!
Đến năm 1836, trong địa bạ triều Nguyễn ghi nhận thôn làng ở vùng đất Châu Phú: thuộc phủ Tuy Biên, huyện Tây Xuyên, tổng Định Thành: Bình Mỹ thôn, Vĩnh Thạnh Trung thôn, Bình Lâm thôn, Mỹ Đức thôn (mất địa bạ, lúc này thuộc tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên). Đối chiếu thôn làng ở Châu Phú dưới thời Gia Long và Minh Mạng (1836) ta thấy có sự khác biệt.
Như vậy, năm 1836 không còn thôn Bình Thịnh Tây, mà có thể thôn này được lập thành 2 làng: Bình Mỹ và Vĩnh Thạnh Trung. Điều trở ngại là Gia Đinh thành thông chí của Trịnh Hoài Đức không ghi rõ vị trí của thôn Bình Thịnh Tây! Nên sau này, khi nghiên cứu về địa bạ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi có đối chiếu các thôn làng An Giang năm 1836 thì không có tên Bình Thịnh Tây bất kỳ tổng nào ở An Giang xưa. Nghiên cứu cách đặt tên của triều Nguyễn, có chi tiết chúng tôi lưu ý: lấy phương hướng để xác định tên làng: đông, tây, nam, bắc. Nên phía Đông có Bình Thịnh Đông (Bình Thạnh Đông), vì vậy phía Tây có Bình Thịnh Tây, bao gồm cả thôn Vĩnh Thạnh Trung và Bình Mỹ. Năm 1836, chúng ta còn thấy thôn Bình Trung được đổi thành Bình Hoà Trung, mà tên nó hiện nay vẫn còn giữ là xã Bình Hoà (huyện Châu Thành).
Tính đến năm 1836, địa bàn Châu Phú ngày nay chỉ có bốn thôn: Mỹ Đức, Bình Lâm, Vĩnh Thạnh Trung và Bình Mỹ (trong đó mất địa bạ thôn Mỹ Đức). Địa bạ triều Nguyễn ghi nhận như sau:
- BÌNH LÂM THÔN, ở hai xứ Rạch Cát, Rạch Chanh.
- Đông giáp sông lớn.
- Tây giáp rạch thông lưu Năng Gù, nhìn sang địa phận thôn Bình Mỹ.
- Nam giáp sông lớn.
- Bắc giáp sông lớn và rừng.
- BÌNH MỸ thôn, ở hai xứ Năng Gù, Trác Thượng Vật.
- Đông giáp rạch thông lưu Năng Gù, giáp thôn Bình Lâm.
- Tây giáp rừng.
- Nam giáp rạch cây Sung và thôn Bình Hoà Trung.
- Bắc giáp xẻo Dầu và địa phận thôn Vĩnh Thạnh Trung.
- VĨNH THẠNH TRUNG ,thôn ở xứ Cái Dầu.
- Đông giáp rạch Cái Dầu và sông lớn.
- Tây giáp rừng.
- Nam giáp rạch Cái Dầu và địa phận thôn Bình Mỹ,
- Bắc giáp địa phận thôn Mỹ Đức.
Qua mô tả địa bạ triều Nguyễn vị trí các thôn khá rõ. Nhưng chủ yếu: ta thấy vùng đất giữa sông Hậu và Thất Sơn phần lớn là rừng chưa khai phá nhiều. Ranh giới giữa các thôn thường lấy sông, rạch, rừng, xẻo để phân định và thông thường chỉ tính quy ước nên ghi vào địa bạ chưa cụ thể. Làng Bình Lâm thuộc cù lao Năng Gù sau đổi thành làng Bình Thuỷ. Ở đây chúng ta thấy tên làng ghi bằng chữ Hán, nhằm lấy ý nghĩa tốt đẹp. Còn địa bạ ghi chung là xứ thì thường là chữ nôm. Nghĩa là: xóm haymiệt. Như xứ Cái Dầu chúng ta nên hiểu là miệt Cái Dầu, xứ Năng Gù là miệt Năng Gù.
Thời Pháp thuộc
Đến khi thực dân Pháp xâm chiếm An Giang (1867) và chia lại vị trí hành chánh trên cơ sở đơn vị hành chánh của triều Nguyễn để lại: ta lấy địa chí tỉnh Châu Đốc làm chuẩn (được viết năm 1902 bằng tiếng Pháp), địa bàn huyện Châu Phú ngày nay chủ yếu thuộc tổng An Lương, chỉ riêng làng Mỹ Đức thuộc tổng Châu Phú. Địa bàn Châu Phú năm 1902 có các làng sau đây: Bình Long, Bình Mỹ, Khánh Hoà, Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Thạnh Trung, Katambong và Mỹ Đức. Đối chiếu với địa bạ triều Nguyễn ta thấy xuất hiện thêm một số làng mới: Bình Long, Khánh Hoà, Katambong. Làng Katambong, Pháp thành lập làng riêng, đó là làng người Mã Lai (villages malais) tức người Chăm. Như vậy, làng Khánh Hoà và Katambong được tách ra từ làng Mỹ Đức cũ, làng Thạnh Mỹ Tây được thành lập trên cơ sở làng Vĩnh Thạnh Trung, làng Bình Long được tách từ làng Bình Mỹ.
Tại sao có sự tách ra như vậy? Trước hết trong chính sách của thực dân Pháp là chính sách “chia để trị” nên chúng chia địa giới hành chánh càng nhỏ, càng dễ quản lý và kiểm soát hoạt động dân chúng trong vùng, chủ yếu phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa về sau. Thứ hai, việc tách thêm làng mới còn được thể hiện về dân số tăng lên địa bàn cư trú mở rộng. Điều này được minh chứng, sau khi Pháp thực hiện đào hai kênh Tri Tôn và Ba Thê tháo nước rửa phèn. Cộng thêm sự xuất hiện cây lúa nổi nên đơn vị hành chánh có sự thay đổi. Tuy nhiên những tác động các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc nên mật độ dân cư đông đúc chỉ có ở thành thị, phố xá hoặc nơi an toàn nên mức độ thay đổi địa giới hành chánh diễn ra không nhiều.
Làng Bình Long, Khánh Hoà, Katambong thành lập lúc nào không rõ, chỉ biết năm 1876, tức sau cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa ba năm, lỵ sở Châu Đốc được thành lập và tài liệu Pháp ghi nhận con đường từ Châu Đốc đi Long Xuyên có trạm chính: Bình Long. Trong 5 chợ chính của tỉnh Châu Đốc gồm các chợ: Châu Phú (Châu Đốc), Long Sơn (Tân Châu), Thường Lạc (Trà Du), Phú Lâm (Cái Dừng) và Bình Long (Cái Dầu). Có thể làng Bình Long được thành lập trước thời gian này, vì nếu không tại sao xuất hiện tên Bình Long!
Năm 1957, dưới thời chính quyền Sài Gòn địa bàn Châu Phú các làng xã chỉ thay đổi nhỏ: bỏ làng Katambong nhập vào xã Khánh Hoà. Dân số qua gần 70 năm (1902 - 1970) tăng lên gấp: 8,5 lần, nhưng đơn vị hành chánh gần như giữ y.
Nhận xét tác giả
Mật độ dân số 1902 các xã thời bấy giờ chưa bằng dân số một xã năm 1970! Tính đến năm 2000 dân số huyện Châu Phú tương đương diện tích các xã kể trên: 232.680 nhân khẩu. So với năm 1902 gần 100 năm, dân số huyện Châu Phú tăng 20,7 lần. Vì vậy việc thành lập thêm xã, thị trấn mới là cần thiết. Hiện nay Châu Phú có 12 xã và 1 thị trấn (so với năm 1902 tăng thêm 5 đơn vị hành chánh cấp xã).
Việc tìm hiểu thôn làng xưa nay góp phần cho ta có cách nhìn về vùng đất mình đang sống, cho thấy xã hội luôn luôn phát triển, con người càng năng động và gắn bó với vùng đất quê hương mà ông cha ta từng bao đời để tạo dựng nên sự nghiệp như ngày nay. Nhìn lại quá khứ để hiểu hiện tại. Tuy nhiên, đôi lúc nhiều vấn đề, nhiều sự kiện đến hôm nay vẫn còn nghi ngờ, hoặc chưa biết. Đó chính là đề tài lý thú gợi thêm sự tìm hiểu ở lớp người kế tục sau và nó còn là cách học quá khứ tốt nhất cho thế hệ trẻ hiện nay.
Tài liệu tham khảo
- Gia Định Thành Thông Chí - Trịnh Hoài Đức (Bản dịch).
- Đại Nam Nhất Thống Chí - Sử quán triều Nguyễn.
- Địa bạ triều Nguyễn - Nguyễn Đình Đầu. NXB TP.HCM năm 1995.
- Địa chỉ Châu Đốc (Bản tiếng Pháp) - 1902.
- Địa chí An Giang (Tập 1) - 2003.
- Tạp chỉ Tìm hiểu Thôn làng Châu Phú xưa - Võ Thành Phương - Báo Văn Hóa - Lịch Sử An Giang - Xuất bản tháng 6/2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét